Du học Nhật Bản là cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam tiếp thu nền giáo dục tiên tiến. Vậy các bạn đã chuẩn bị những gì và làm những gì khi sang Nhật du học. Dưới đây là 4 thủ tục quan trong mà du học sinh nên làm ngay khi mới sang Nhật Bản, để đảm bảo nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi đây
1. Làm thẻ cư trú
Thẻ cư trú được cấp cho đối tượng là người nước ngoài cư trú trung hoặc dài hạn tại Nhật (từ 3 tháng trở lên). Khi thực hiện thủ tục nhập cảnh tại các sân bay lớn như Narita, Haneda (Tokyo), Chubu (Nagoya), Kansai (Osaka), bạn sẽ được cấp thẻ này cùng dấu chứng nhận được phép làm thêm tại Nhật (資格外活動許可). Nếu nhập cảnh tại các sân bay khác, bạn sẽ được đóng dấu chứng nhận đã được phép nhập cảnh lên hộ chiếu, còn Thẻ cư trú sẽ được gửi đến chỗ ở của bạn qua đường bưu điện.
Đồng thời trong vòng 14 ngày sau khi đã xác nhận chỗ ở mới, bạn phải xuất trình thẻ này cho cơ quan quản lý hành chính địa phương gần nhất để làm thủ tục đăng ký chuyển nhập cư trú. Sau khi bạn hoàn thành thủ tục này, mặt sau của thẻ sẽ in địa chỉ chỗ ở của bạn. Nếu sau đó chuyển nhà thì bạn phải mang Thẻ cư trú đến cơ quan quản lý hành chính địa phương gần nhất để cập nhật nơi ở mới của mình.
2. Làm con dấu cá nhân
Bạn cần có con dấu cá nhân mới có thể làm được các thủ tục tiếp theo và mở được sổ ngân hàng ở Nhật. Trường Nhật ngữ thường dẫn các bạn du học sinh mới đi làm con dấu, giá tiền là khoảng 1600 yen ~ 3000 yen. Bạn cũng có thể mua con dấu 100 yen (không phải tên bạn) hoặc khắc dấu trước tại Việt Nam. Con dấu cá nhân thường gọi là hanko hoặc inkan.
3. Đăng ký điện thoại, Internet
Thông thường các bạn ở Việt Nam mới qua Nhật thì đều gặp khó khăn về vấn đề Sim điện thoại vi văn hóa sử dụng Sim điện thoại ở Việt Nam khá khác biệt so với Nhật Bản. Ở Việt Nam bạn chỉ cần bỏ ra 20k, 30k là có thể mua được 1 cái Sim. Nạp card vào là có thể sử dụng nhưng ở Nhật Bản tất cả đều sử dụng gói cước trả sau. Vì vậy các nhà mạng khi đăng ký sim điện thoại đều phải kiểm tra thông tin rất khó khăn và kỹ càng. Đặc biệt là với những người nước ngoài như chúng ta: du học sinh, thực tập sinh mới qua.
Hiện tại Nhật Bản có 3 nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông lớn là DoCoMo, Au và SoftBank (tương tự như MobiPhone, VinaPhone và Viettel ở Việt Nam). 3 nhà mạng này liên kết với nhau khá chặt chẽ và sử dụng chung 1 kho số nên người dùng có thể đổi mạng 1 cách dễ dàng mà vẫn giữ được số cũ nếu muốn. Trong khung giờ 09:00 – 21:00 hàng ngày, người dùng có thể gọi điện và nhắn tin nội mạng miễn phí. Do đó, bạn có thể xem xét chọn nhà mạng nào có lợi nhất (ví dụ bạn có nhiều người quen sử dụng DoCoMo thì bạn nên đăng ký DoCoMo) hoặc nhà mạng nào có nhiều chương trình khuyến mãi.
- Mang điện thoại sang Nhật (bản quốc tế) và đăng ký SIM: để tiết kiệm chi phí, bạn có thể mang điện thoại của mình sang Nhật và chỉ cần đăng ký SIM của Nhật. Bạn chỉ cần trả tiền gói cước hàng tháng nên cần lưu ý tìm hiểu về gói cước trước khi đăng ký. Phí sử dụng dịch vụ điện thoại đã bao gồm 4G khoảng 2000 ~ 4000 yên/tháng.
- Mua điện thoại tại Nhật: các nhà mạng thường bán điện thoại, thiết bị điện tử… dưới dạng ký hợp đồng trả góp và là bản lock (chỉ dùng được ở thị trường Nhật Bản). Ưu điểm là bạn không phải chi 1 số tiền quá lớn ngay từ đầu để sở hữu chiếc điện thoại yêu thích, chỉ cần trả 1 số tiền nhỏ ban đầu cũng có thể mua được điện thoại xịn. Ví dụ bạn có thể đăng ký mua Iphone X (64GB) giá 30 triệu đồng mà chỉ cần trả trước 6 triệu. Số tiền còn lại bạn sẽ chi trả trong 24 tháng, cộng với tiền cước hàng tháng. Phí điện thoại khoảng 5000 ~ 10000 yên/tháng. Tuy nhiên hình thức này cũng có nhược điểm là giá của điện thoại sẽ đắt hơn bản quốc tế 1 chút, du học sinh phải có visa 2 năm trở lên và chỉ có thể sử dụng ở Nhật (nếu muốn sử dụng ờ nước khác thì có thể mua code update thành bản quốc tế hoặc sử dụng sim ghép).
Lưu ý là các nhà mạng quản lý tiền điện thoại hàng tháng rất kỹ nên bạn chú ý không nên mua điện thoại cũng như gói cước quá đắt dẫn đến nợ lâu và không thể thanh toán. Bạn sẽ không thể đăng ký điện thoại mới của nhà mạng này nếu chưa thanh toán hết số nợ của nhà mạng khác. Vì các nhà mạng có thể kiểm tra thông tin khách hàng lẫn nhau.
4. Mở tài khoản Ngân hàng
Khi đã có Thẻ lưu trú, Thẻ bảo hiểm sức khỏe quốc dân và số điện thoại liên lạc, thủ tục kế tiếp mà bạn nên làm là mở một tài khoản ngân hàng, bởi hầu hết các giao dịch liên quan đến tiền nong ở Nhật đều được thực hiện qua con đường chuyển khoản. Theo quy định chung thì người nước ngoài cư trú chưa đủ 6 tháng ở Nhật sẽ không thể mở tài khoản ngân hàng, nhưng thực tế vẫn có một số ngân hàng hoặc chi nhánh không quá gắt gao với vấn đề này, đặc biệt là các chi nhánh ở gần khu dân cư, trường học hoặc khu vực công sở.
Do đó khi cần mở một tài khoản, bạn nên đến hỏi nhiều chi nhánh khác nhau. Sau đây xin giới thiệu một số ngân hàng có uy tín mà du học sinh có thể lựa chọn:
- Ngân hàng Bưu điện (Yuucho): là ngân hàng duy nhất cho phép bạn mở tài khoản dù bạn chưa đủ 6 tháng sống ở Nhật. Có nhiều chi nhánh ở hầu hết các nơi tại Nhật và nhiều trụ ATM. Dễ đăng ký và sử dụng.
- Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ: là 1 trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Có độ tin cậy cao, nhiều quầy giao dịch và ATM. Có thể rút tiền tại ATM của 1 số ngân hàng khác.
- Ngân hàng Mitsui Sumitomo: 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Độ tin cậy cao. Có thể rút tiền tại ATM của 1 số ngân hàng khác.
- Ngân hàng Mizuho: 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Độ tin cậy cao. Có thể rút tiền tại ATM của 1 số ngân hàng khác.
- Và 1 số ngân hàng khác như Resona, Shinsei, ngân hàng Yokohama…